Anh Bùi Văn Toan, thôn Duyên Hiên, xã Định Hưng (Yên Định) là một trong những nông dân “chuyên nghiệp” bởi anh là người đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh cũng là hộ dân đầu tiên được hỗ trợ kinh phí kích cầu của huyện vì đã đưa thiết bị máy bay không người lái vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Anh Bùi Văn Toan (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với người lao động tại cơ sở sản xuất mạ khay.
Anh Toan kể: “Tôi sinh ra và lớn lên đã gắn bó với cây lúa, đồng đất quê hương; khi khởi nghiệp lại có duyên với nghề vận tải hàng hóa nông sản, được tiếp xúc với các hộ dân làm nông nghiệp, tôi càng thương họ “một nắng hai sương” mà thu nhập không cao. Nhiều lần theo xe chở hàng nông sản tuyến Bắc- Nam, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều hộ dân gắn bó với đồng ruộng lắm, nhu cầu dịch vụ trong nông nghiệp ngày càng cao. Có những hộ nông dân rất tiến bộ, đi đầu ứng dụng KHKT mới vào sản xuất. Tôi đã học theo và bén duyên từ đó".
Năm 2013, nhiều nông dân còn chưa quen với phương thức sản xuất mới, nhưng anh Toan đã quyết định mạo hiểm, vay tiền đầu tư đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, như: máy cày, máy cấy, máy gặt... Ngay vụ đầu sản xuất, gia đình anh đã có đơn đặt hàng của người thân và nhiều hộ dân trong xã. Mặc dù chưa được như kỳ vọng, nhưng bước đầu đã giúp anh và gia đình có thêm động lực tiếp tục mở rộng các khâu dịch vụ và địa bàn “thâm canh” trên những cánh đồng.
Cơ sở sản xuất mạ khay của gia đình anh Toan tạo việc làm cho nhiều lao động.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương về cơ chế chính sách kích cầu sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa tạo thành những cánh đồng lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gia đình anh Toan đã mở cơ sở sản xuất mạ khay cung cấp cho nông dân trong huyện và tỉnh ngoài (Thái Bình, Hà Nam…) với công suất 1 vụ sản xuất được 20 tấn giống, gieo trồng hơn 500 ha.
Gia đình anh còn tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, bình quân đạt 250.000 đồng/người/ngày và hàng chục lao động thời vụ. Vào ngày mùa, toàn bộ cơ giới sản xuất nông nghiệp của gia đình hoạt động liên tục ngày, đêm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con ở các xã trong và ngoài huyện.
Thiết bị máy bay không người lái.
Là người nhạy bén với thị trường và hơn 10 năm gắn bó với dịch vụ nông nghiệp, anh Toan luôn tìm hiểu về công nghệ mới. Năm 2020, lần đầu tiên biết máy bay không người lái trong nông nghiệp, anh đã quyết định tìm hiểu và được đối tác là Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông giới thiệu, thử nghiệm đầy đủ các chức năng của máy bay. Anh Toan quyết định mua 1 chiếc, trị giá 600 triệu đồng để làm dịch vụ, như: phun thuốc, bón phân, gieo hạt trực tiếp, giúp phân bổ chính xác trên cây trồng và đạt năng suất cao hơn.
Tháng 8-2020 gia đình anh góp vốn thành lập Công ty TNHH Drone Sông Hồng và giao cho người con trai đầu tham gia quản lý. Hiện nay, công ty có 7 chiếc máy bay không người lái hoạt động dịch vụ ở nhiều địa bàn trong tỉnh, như: Yên Định, Hậu Lộc, Nga Sơn, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân… và một số tỉnh ngoài như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái, Sơn La…, tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Công ty sử dụng máy bay không người lái tại Khu thầu tập trung hơn 100 ha tại xã Tiến Lộc (Hậu Lộc).
Công ty TNHH Drone Sông Hồng sử dụng máy bay không người lái hoạt động tại nhiều vùng đồng thầu lớn 3 vụ/năm (lúa, màu, cây công nghiệp…), mỗi máy bay phun được 1.000 ha/năm. Ngoài làm dịch vụ, công ty còn là đầu mối phân phối độc quyền hãng máy bay không người lái UAV tại khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Những cánh đồng “không bước chân” sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV cho cây lúa
Anh Toan cho biết: "Máy bay không người lái giảm bớt gánh nặng và cải thiện đáng kể hiệu quả. Chiếc nhỏ nhất công suất 20 lít phun được 6ha/giờ; chiếc lớn nhất công suất 40 lít phun 10ha/giờ. Việc sử dụng máy bay không người lái góp phần giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây trái, năng suất cao gấp 30 lần so với phun thủ công và giảm thất thoát, giúp người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, bảo vệ sức khỏe, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất đai, tiết kiệm chi phí... Quan trọng là đem đến cho bà con nông dân các giải pháp canh tác thông minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Máy bay không người lái phun thuốc BVTV cho cây chè tại huyện Mộc Châu , tỉnh Sơn La.
Với việc đưa vào ứng dụng máy bay không người lái vào sản xuất, năm 2022, gia đình anh Toan là hộ đầu tiên nhận được hỗ trợ 300 triệu đồng/2 chiếc (30% giá trị/chiếc máy bay) theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 21-7-2021 về hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM huyện Yên Định, năm 2021.
Người dân xã Nga Phú (Nga Sơn) xem máy bay không người lái thực hiện phun thuốc BVTV cho cây trồng.
Đây là niềm vui, động lực để gia đình anh Toan tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả hơn những tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghệ cao trên địa bàn huyện.
Theo Lê Hà/Báo Thanh Hoá